TẾT cổ truyền Việt Nam

TẾT cổ truyền Việt Nam
💖
Mùa TẾT
Có người nói:
“30 chưa phải là Tết…”
Nhưng thực ra Tết thông thường được tính từ 23 tháng chạp cho tới khi hạ cây nêu vào mồng 7 tháng giêng.

“Canh tác nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào thời tiết nên người xưa đã phân chia thời gian trong một năm thành 24 tiết khí để tiện tính toán chu kỳ gieo gặt mùa màng. Trong đó quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng, tức là Tiết Nguyên đán, sau này gọi chệch là “Tết Nguyên đán”.
Tết Nguyên đán còn có tên gọi khác là Tết Cả (Tiết lớn nhất trong năm), Tết Ta (để phân biệt với tết Tây), Tết Âm lịch (phân biệt với Dương lịch), Tết cổ truyền, ngày nay được gọi vắn tắt là Tết…”

Công việc sửa soạn cho ngày Tết của người Việt thường bắt đầu từ ngày 23 tháng Chạp…
– Cúng ông Táo…ngày 23
– Tất Niên, cỗ tất niên…chiều 30
– Giao thừa, cúng giao thừa…đêm 30
– Ba ngày đầu năm mới (Tân niên) với các việc như: xông đất, xuất hành, hái lộc, thăm viếng, mừng tuổi (lì xì)…
Mồng một Tết Cha
Mồng hai Tết Mẹ
Mồng ba Tết Thầy
– Hóa vàng…mồng 4,5
– Khai hạ (hạ cây nêu)…hết Tết vào mồng 7 tháng giêng.
…👏

Ngày TẾT
Ngày nhỏ, sắp đến ngày Tết vui lắm.
Nhà cửa kê dọn, quét tước, có khi còn quét vôi ve lại, muốn đẹp hơn thì mua giấy mầu về cắt thành các dây xúc xích để treo quanh trần nhà.
Trẻ con mong manh áo mới bố mẹ mua cho, người lớn thì bận bịu mua sắm.
Xếp hàng mua đủ thứ, quan trọng là túi hàng tết phân phối, trong đó có bánh pháo, hộp mứt, bóng bì lợn, có khi còn có hộp chè, gói hạt tiêu, bao thuốc lá Sông Cầu, Tam Đảo hay Đồ Sơn…
Hoa cũng là vấn đề, có điều kiện thì cành đào, không thì làm bó hoa thập cẩm cũng rẻ mà đủ các loại – thược dược, đồng tiền, violet, cúc, layon…
Bánh chưng thì cũng không khó, vì thịt gạo được chia ăn Tết cuối năm, lá dong cũng sẵn…cái thùng phuy đựng gạo hàng ngày thì bỏ ra để nấu bánh. Gói từ trưa, chiều bắc bếp, gần sáng là vớt, rồi ép…là Ok.

Ngày Tết, mua sắm đến hôm 30 là xong, đêm giao thừa ngồi nghe đài tin chúc Tết, tiếng pháo đì đoành cả làng, cả phố nghe thật vui.
Mồng một, chọn người xông nhà…người thân đến chơi, trẻ con đợi mừng tuổi, được những đồng tiền mới thật thích.
Mấy ngày Tết thì người lớn hay đi thăm hỏi, qua lại họ hàng, người thân, bạn bè…trẻ con được nghỉ học thì chỉ có chạy chơi, rồi xem hội làng, hội vật, hội gò Đống Đa, hội hoa xuân, đi công viên Thống Nhất cũng nhiều chỗ chơi, nhiều trò như ném vòng cổ chai, ném bóng, phi tiêu…vui vui thế.

P/s:
Trong lòng nghĩ đến Tết là lại rộn rạo, vẫn thích được sống lại không khí “Tết Ta xưa” lần nữa.
Xa nhà lâu, lại ít có điều kiện ăn Tết ở Ta nên hồi tưởng cũng chỉ là tương đối…thế thôi ạ.
*
VXT viết từ Ufa