Bài viết về Cách Mạng Tháng Tám của Tổng Lãnh Sự Quán Nguyễn Mai Hường

Cách mạng Tháng Tám mở ra trang sử mới trong lịch sử Việt Nam

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi là sự kiện vĩ đại trong lịch sử, làm thay đổi vận mệnh của đất nước, dân tộc Việt Nam.

Tình hình thế giới và Việt Nam trong những năm trước Cách mạng Tháng Tám

Từ đầu thập niên 1930, tình hình thế giới biến đổi mạnh mẽ. Đại khủng hoảng kinh tế 1929-1933 bắt đầu từ Mỹ lan rộng ra nhiều quốc gia tác động sâu sắc đến chính trị, kinh tế và xã hội nhiều nước tư bản, trong đó có Pháp, đẩy các nước rơi vào tình trạng khủng hoảng kinh tế sâu sắc, làm trầm trọng thêm gánh nặng của các nước thuộc địa dưới ách bóc lột thực dân. Chủ nghĩa phát xít trỗi dậy, thắng thế ở một số quốc gia, cùng với mâu thuẫn gia tăng giữa các nước tư bản làm Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ và lan rộng (1939-1945).

Sau Cách mạng tháng Mười Nga năm 1917, Liên Xô đã đạt nhiều thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, cổ vũ phong trào cộng sản và công nhân quốc tế và cuộc đấu tranh của các dân tộc thuộc địa.

Tại khu vực Đông Dương, Việt Nam là thuộc địa lớn, quan trọng nhất của Pháp ở châu Á. Đất nước ta đã trải qua 87 năm dưới ách đô hộ của thực dân Pháp kể từ ngày 1/9/1858 khi thực dân Pháp nổ súng mở đầu cuộc xâm lược tại Đà Nẵng, đến ngày 2/9/1945, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình.  Nhân dân Việt Nam vốn đã điêu đứng dưới ách phong kiến và thực dân, phải gánh thêm ảnh hưởng nặng nề của những khó khăn, bất ổn về chính trị và kinh tế của nước Pháp. Đó là quãng thời gian nước ta bị nước ngoài đô hộ dài nhất kể từ năm 938, khi Ngô Quyền đánh thắng quân xâm lược Nam Hán, khôi phục nền độc lập. Tên của nước ta lẫn vào địa danh “xứ Đông Dương thuộc Pháp”. 

Trong những thập niên từ cuối thế kỷ 19 sang đầu thế kỷ 20, các phong trào yêu nước của nhân dân Việt Nam diễn ra mạnh mẽ với tinh thần quật cường, bất khuất, nhưng đều không thành công do thiếu một đường lối đúng đắn. Nhiều tướng lĩnh, lãnh tụ, nghĩa quân khởi nghĩa đã chiến đấu, hy sinh lẫm liệt đến giọt máu cuối cùng. Đó là các cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp của Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương…, những cuộc khởi nghĩa của Trương Định, Nguyễn Trung Trực, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Thái Học… các  phong trào Cần Vương, Đông Du…

Chủ tịch Hồ Chí Minh thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam

Từ năm 1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó là người thanh niên trẻ Nguyễn Tất Thành bắt đầu hành trình ra với quốc tế để tìm con đường cứu nước. Người đã tìm hiểu thực tế và tham gia các phong trào của nhân dân lao động, giai cấp công nhân ở ngay các nước tư bản. Người tìm thấy con đường giải phóng dân tộc ở tài liệu Những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lênin. Người đã truyền bá chủ nghĩa Mác – Lênin về Việt Nam, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thành lập một tổ chức lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Ngày 3/2/1930, tại Hồng Công, Đảng Cộng sản Việt Nam, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (tên gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi đó) được thành lập trên cơ sở hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Từ đó, cách mạng Việt Nam đã có một tổ chức lãnh đạo đúng đắn trong tiến trình lịch sử của dân tộc. Mục tiêu của Đảng khi mới thành lập là đoàn kết và lãnh đạo toàn dân đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng người lao động khỏi áp bức, bóc lột.

 Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào đấu tranh của giai cấp công nhân trong khu vực dần được khôi phục. Các tầng lớp nhân dân đã tham gia đấu tranh đòi những quyền lợi chính đáng bằng nhiều hình thức. Chính quyền Pháp thực thi chính sách thời chiến rất khắc nghiệt, thủ tiêu các quyền tự do, dân chủ.

Khi Nhật vào Đông Dương tháng 9/1939, Pháp đầu hàng Nhật và câu kết với Nhật để thống trị khu vực này. Mâu thuẫn giữa nhân dân Việt Nam và đế quốc xâm lược và các thế lực phản động trong nước càng trở nên gay gắt. Nhiệm vụ giải phóng dân tộc được đặt ra hết sức cấp thiết.

Ngày 28/1/1941, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước, chọn Cao Bằng là căn cứ cách mạng. Trung ương Đảng và Người đã có những quyết định rất quan trọng để tập hợp và tổ chức lực lượng. Một trong các yếu tố quyết định cho thắng lợi của cách mạng Tháng Tám là sự ra đời của Mặt trận Việt Minh vào ngày 19/5/1941. Mặt trận đã đoàn kết mọi tâng lớp nhân dân yêu nước tham gia phong trào đánh đổ thực dân xâm lược, giành độc lập. Tháng 12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam được thành lập, sau đó không ngừng lớn mạnh, đã lập nhiều chiến thắng vang dội.

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta đã sáng suốt nhận định kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương là phát xít Pháp – Nhật, không phải là tất cả đế quốc chủ nghĩa. Đồng thời, Đảng xác định mâu thuẫn chủ yếu phải được giải quyết ngay là mâu thuẫn giữa các dân tộc Việt nam với đế quốc phát xít Pháp – Nhật. Sau cuộc đảo chính Nhật – Pháp ở Đông Dương, Đảng nhấn mạnh phát xít Nhật là kẻ thù chính, thực hiện thành lập chính quyền cách mạng của nhân dân Đông Dương.

Đảng ta xác định một quan điểm lớn là tinh thần tự lực, dựa vào sức mình. Đảng khẳng định cách mạng Đông Dương là một bộ phận của cách mạng thế giới, của phong trào dân chủ chống phát xít và “tất cả các lực lượng chống phát xít trên thế giới đều có thể giúp sức cho cách mạng Đông Dương”, song nêu cao tinh thần chủ động dựa vào sức mình là chính; khâu mấu chốt giành thắng lợi trên mặt trận đối ngoại là chỉ có thực lực của ta mới quyết định thắng lợi.

Cách mạng Tháng Tám thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời

Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta xác định mục tiêu khởi nghĩa nhằm giành lại hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ cho Tổ quốc ta, cho nhân dân ta.

Từ ngày 13 – 15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Đảng Cộng sản Đông Dương họp tại Tân Trào, Tuyên Quang, nhận định thời cơ đã đến, quyết định Tổng khởi nghĩa toàn quốc, giành chính quyền trước khi quân đồng minh vào Việt Nam. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định “Lúc này, thời cơ thắng lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.

Ngày 16-17/8/1945, tại Tân Trào, Quốc dân Đại hội đã họp, tán thành quyết định tổng khởi nghĩa của Đảng, thông qua 10 chính sách lớn của Việt Mainh, thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh đứng đầu. Người đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước đứng dậy, “đem sức ta mà giải phóng cho ta”.

Tại các địa phương trong cả nước, nhân dân ta đứng lên khởi nghĩa, giành chính quyền thắng lợi, gây tiếng vang lớn như ở Hà Nội (19/8), Huế (23/8), Sài Gòn (25/8). Toàn bộ hệ thống chính quyền tay sai của Nhật nhanh chóng bị tan rã. Đến ngày 28/8/1945, chính quyền trong cả nước đã thuộc về nhân dân.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, trước cuộc mít tinh của gần một triệu đồng bào, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ Lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (nay là Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Từ đó, Ngày 2/9 là Ngày Quốc khánh của nước ta.

Bản Tuyên ngôn Độc lập ngắn gọn nhưng chứa đựng những nội dung bất hủ, không chỉ có giá trị lịch sử đối với dân tộc Việt Nam, mà còn có ý nghĩa thời đại sâu sắc.

Thứ nhất, Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định quyền dân tộc và quyền con người luôn gắn bó chặt chẽ với nhau. Bản Tuyên ngôn đã trích dẫn những lời bất hủ trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mỹ: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được. Trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc” và Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của cách mạng Pháp năm 1791 “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”.

Tiếp đó, bản Tuyên ngôn khẳng định: “Suy rộng ra câu ấy có nghĩa là: Tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và quyền tự do”.

Thứ hai, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố “thoát ly hẳn quan hệ với Pháp, xoá bỏ hết những hiệp ước mà Pháp đã ký về nước Việt Nam, xoá bỏ tất cả mọi đặc quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam” và tin tưởng các nước đồng minh “quyết không thể không công nhận quyền độc lập của dân Việt Nam.”

Thứ ba, Tuyên ngôn độc lập đưa ra một lời tuyên bố mang ý nghĩa lịch sử như một lời thề thiêng liêng, thể hiện sâu sắc khát vọng độc lập, tự do của nhân dân ta, biểu thị quyết tâm và sức mạnh Việt Nam: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy”.

Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc, đó là kỷ nguyên của độc lập, tự do. Nhân dân ta từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ vận mệnh của mình. Đất nước Việt Nam giờ đây trở thành quốc gia độc lập, có vị thế trên trường quốc tế.  Chỉ bốn tháng sau ngày Cách mạng thắng lợi, lần đầu tiên, nhân dân được thực hiện quyền làm chủ của mình, cầm lá phiếu để bầu ra Quốc hội của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòachính quyền từ cấp xã đến Trung ương. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Thế là lúc đó chúng ta đã bắt đầu thực hiện thống nhất, độc lập và dân chủ.

Bản Tuyên ngôn độc lập đã thể hiện những tư tưởng vĩ đại, tầm nhìn chiến lược và một trí tuệ phi thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là biểu tượng của sự đoàn kết  và sức mạnh dân tộc

Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá cách mạng Tháng Tám là một cuộc thay đổi cực kỳ to lớn trong lịch sử của nước ta và Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã làm cho chúng ta trở nên một bộ phận trong đại gia đình dân chủ thế giới.

Chỉ trong vòng 15 năm, từ 1930 – 1945, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam đấu tranh đánh đổ chế độ thực dân, nửa phong kiến, giành chính quyền về tay nhân dân lao động, giành độc lập dân tộc. Nhân dân ta đã tiến hành ba cao trào cách mạng: Cao trào cách mạng 1930-1931, với đỉnh cao là phong trào Xô viết – Nghệ Tĩnh, Cao trào cách mạng đòi dân sinh, dân chủ (1936-1939) và Cao trào cách mạng giải phóng dân tộc (1930 – 1945), khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cách mạng đã đập tan xiềng xích của thực dân Pháp và phát xít Nhật, lật nhào chế độ quân chủ phong kiến trên đất nước ta, lập nên Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam châu Á.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám không thể tách rời khỏi vai trò lãnh đạo thiên tài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã đưa ra những quyết sách đúng đắn, vô cùng sáng tạo trong “tạo thời, lập thế, chọn thời cơ”. Người đã vận dụng những tư tưởng vĩ đại của chủ nghĩa Mác – Lê nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Thắng lợi đó là sự hội tụ của ý chí độc lập, đoàn kết một lòng của dân tộc Việt Nam; cho thấy, một dân tộc dù nhỏ bé, chỉ mới 25 triệu nhân dân vào thời điểm năm 1945 nhưng có thế làm nên lịch sử với truyền thống yêu nước nồng nàn, ý chí tự lực, tự cường và sự lãnh đạo của đảng cách mạng chân chính.

Cách mạng Tháng Tám cũng thể hiện rõ nét cách mạng Việt Nam là một bộ phận hữu cơ của cách mạng thế giới và giai cấp vô sản Việt Nam là một bộ phận không thể tách rời của giai cấp vô sản thế giới.

Cách mạng Tháng Tám không chỉ là niềm tự hào của nhân dân Việt Nam mà còn là niềm tự hào của người lao động và các dân tộc rên thế giới vì như Chủ tịch Hồ Chí Minh đánh giá: “Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”. Cuộc cách mạng này đã cổ vũ các dân tộc bị áp bức đứng lên giành độc lập, tác động làm sụp đổ của chủ nghĩa thực dân trên toàn thế giới. Không chỉ đối với Việt Nam, Cách mạng Tháng Tám còn mở ra thời cơ, điều kiện cho các nước láng giềng Lào, Cam-pu-chia đấu tranh giành lấy độc lập, tự do và khẳng định con đường phát triển tự chủ, tự cường cho dân tộc mình. 

Từ tháng 8/1945 đến nay, đất nước và nhân dân ta đã trải qua 78 năm dũng cảm, kiên cường, bền bỉ giải phóng, thống nhất và xây dựng, phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng Tháng Tám vẫn là một sự kiện hào hùng, diệu kỳ trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, để lại những bài học quý giá cho những giai đoạn phát triển tiếp sau của đất nước.

                                                                                  Nguyễn Mai Hường


Bình luận

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *